Sau vườn nhà tôi là một cánh đồng mênh mông mút tầm mắt; bốn mùa ghi lại trong tôi biết bao kỷ niệm êm đềm. Hình ảnh và hương đồng nội đã ngấm vào tâm hồn và máu thịt của tôi cho đến tận bây giờ. Mỗi lần đi ngang qua một cánh đồng, ngữi mùi khói rơm, tôi lại thấy nhớ quê hương da diết . . .
Mùa xuân
24 Tết, sáng sớm theo ba tôi đi tả mộ ở một xóm khá xa. Ánh nắng ban mai sưởi không đủ ấm những ngày lạnh cuối cùng của mùa đông, vừa đi vừa hơi run vì lạnh. Bàn chân non nớt của chú bé 5 tuổi đi trên bờ ruộng đầy lổ chân trâu đã khô, lại không mang dép nên hơi đau. Thời ấy người nông thôn chỉ mang dép khi nào ra thành thị, còn lại là đi chân không.
Đa số ruộng lúa đã gặt xong, chỉa những gốc rạ bén ngót lên như một cái bàn chải khổng lồ lật ngược, đây đó còn sót lại vài thửa ruộng lúa chưa chín hết, nằm ngã rạp với những bông lúa sai hạt. Hai bên mép bờ ruộng, những bụi mắc cỡ mọc lan, lác đác những cánh hoa màu hồng nhạt còn đọng sương sớm. Lấy tay khều nhẹ vào khóm mắc cỡ, lá của nó xếp lại và cụp xuống, chìa những cái gai nhọn ra để tự vệ.
Hương rạ khô thoang thoảng trong làn gió bấc làm cho hồn người càng cảm thấy phơi phới, rạo rực chờ đón ngày xuân đang đến. Bầu trời trong xanh, đàn én chao lượn ríu rít càng tô vẽ cho bức tranh đồng nội đậm chất thơ. Có lúc đi tắt, lội xuống ruộng khô, gốc rạ quẹt vào bắp vế non đỏ ửng, đau và rát. Đất ruộng cũng chưa khô hẳn, còn mềm và ươn ướt. Đây đó, những đụn rơm chất cao hai ba mét, có người lấy về cho trâu ăn, có người đốt nó vào mùa hè, khi rơm đã khô hết.
Phía xa xa nơi chân trời, sương đã tan dần, bầu trời trong hơn và nắng cũng ấm hơn . . .
Mùa hạ
Nóng rát chân, đất ruộng khô trắng và nứt nẻ với những khe rất to bằng ngón chân cái của trẻ con, gốc rạ đã khô hoàn toàn và chuyễn sang màu xám, đó là hình ảnh của cánh đồng mùa hạ giữa ánh nằng chói chang không một bóng cây. Toàn bộ cánh đồng bát ngát chỉ còn là một màu xám trắng trãi rộng đến tận chân trời.
Chỉ những buổi trưa đi học trên những bờ ruộng nóng phỏng chân ấy, còn lại thì không bao giờ đi chơi vào những lúc trưa, mà thường là cuối buổi chiều, khoảng 4 giờ chiều trở đi.
Có những buổi chiều mang diều ra ruộng để thả, một bóng dáng con người bé nhỏ giữa cánh đồng mênh mông, trời đất như trầm mặc. Mặt trời đã xuống thấp về phía tây, gió chiều hiu hiu thổi cũng tạm bớt cái nóng gay gắt của chiều hè. Nắm dây lèo của diều (dây cột ở đầu diều) đưa lên cao theo ngược chiều gió, đầu diều ngóc lên với cặp đuôi phất phới được gió đẩy lên cao, buông diều ra và thả cuộn chỉ quấn bằng lon sữa bò, diều từ từ lên cao và lùi xa dần cho đến khi thả hết cuộn chỉ. Cánh diều dài hơn một mét giờ chỉ còn dài bằng một gang tay in bóng giữa bầu trời xanh thẳm, thỉnh thoảng đầu diều chao qua, chao lại như tỏ vẽ khoan khoái! Cạy một cục đất ruộng to bằng đầu gối, dằn cái lon sửa bò cột dây diều để khỏi phải cầm trên tay, ngồi bó gối nhìn cánh diều tít trên cao mà tâm hồn như trãi rộng ra với trời đất. Nhìn về phía làng xóm, những rặng cây xanh thẳm nằm im mình trông thật yên bình giữa một quê hương đang thời chinh chiến. Thỉnh thoảng thả cái lon sửa bò cho cánh diều kéo đi, chạy theo để chụp lại, cứ thế chơi một mình cho đến khi nắng chiều ráng đỏ.
Nắng đã tàn, đây đó một vài đụn rơm đang đốt, làn khói trắng là đà như còn vương vấn không muốn bay đi. Mùi khói rơm thơm nồng tạo một cảm giác ấp áp tình quê yêu dấu. Cuốn diều xuống, trở về nhà trên con đường làng xẩm tối, rặng tre xào xạc nghe như tiếng thở khoan thai của trần gian sau một ngày nhọc nhằn lam lũ.
Có khi xế chiều ra ruộng một mình để bắt dế, tiếng dế gáy “Rét rét, chít chít . . .” cuốn hút chú bé cao độ, vừa bò rạp trên đất ruộng, vừa lắng tai nghe ngóng xem dế ở chổ nào mà cứ tưởng tượng sẽ chộp được một con dế đen mun trong tay. Nhưng đâu có dễ, dế thường ở dưới lổ nẻ rất sâu, dùng lon sửa bò đổ nước xuống không ăn thua gì! Hy hữu lắm mới có một con thoáng vụt lên để thoát qua một lổ nẻ khác. Cũng có khi dùng cây xeo đất, cục đất ruộng to gần một ôm, rất nặng đối với chú bé, nhưng chẳng gặp con nào hoặc thỉnh thoảng có một con bị đất đè dẹp đép! Nhiều lúc về không, chẳng bắt được một con! Thỉnh thoảng nghe tiếng gáy, vạch cỏ chộp được một con, hiếm khi nào bắt được hai con. Một con là sướng lắm rồi! Về nhà thả nó vào cái lon sửa bò với vài miếng bắp cải trắng cho nó ăn, bịt miệng lon lại bằng bao ny lon, dùng tăm nhang xăm lủng lổ cho nó thở. Đêm nằm lắng tay nghe tiếng gáy của nó lòng đầy sung sướng! Niềm hạnh phúc của trẻ con thật đơn giản!
Có những buổi trưa đi học đầu mùa mưa, nước mưa trên đồng lấp xấp chừng một gang tay, cá rô dưới ruộng thấy bóng người, lẫn nhanh vào gốc rạ. Chú bé liền bỏ tập vở trên bờ, gở cái nón cối bằng nhựa màu trắng đang đội (giống như cái nón cối của bộ đội bây giờ), rón rén lội xuống ruộng đến chổ gốc rạ, úp thất nhanh xuống một cái rầm, nước văng tung tóe, thò tay luồn vào trong cái nón, chẳng thấy con cá nào, nó đã kịp thoát trước khi cái nón chụp xuống. Chú bé rửa cái nón dính bùn xong, múc một nón nước trong dội lên đầu cho mát và tiếp tục đi học giữa trời nắng chang chang.
Mùa thu
Gió giông ào ào muốn quật ngã bóng dáng chú bé trên đường đi học về. Trời đất xám đen, ngoằn ngoèo những tia chớp ngang dọc, chú bé cắm đầu chạy muốn ngã vì gió quật rất mạnh giữa cánh đồng mênh mông không một bóng người. Chú dầm mình trong mưa trắng xóa đất trời, cuốn tập đã có cái bao nylon bọc ngoài nên không sợ ướt, chú cố gắng chạy hết sức trên con đường ruộng trơn trợt, lúc đó không bao giờ chú có khái niệm về cái áo mưa nên không bao giờ mang theo. Về đến nhà mặt mày xám ngoét vì lạnh, môi tái xanh! Chạy ra lu nước mưa đang hứng nước sau nhà, dội nước tắm, lạnh không kém! Lau khô mặc quần áo xong leo lên giường quấn mền chặt cứng, chỉ ló cái cổ ra ngoài, ấm ơi là ấm! Một hồi lâu sau má chú kêu ăn cơm, nóng và ngon! Những miếng cá đồng ngọt ngất đậm hương vị làng quê, đậm nghĩa tình mẫu tử ấy nay tìm đâu ra được nữa má ơi . . . ! (những giòng nước mắt đã ứa ra khi viết những giòng chữ này)
Mùa này ruộng đã cấy, những cây lúa non cao chừng gang tay ló đầu ra khỏi mặt nước khắp nơi. Chú bé không thích mùa này lắm, vì đường ruộng bùn sình, trơn trợt, không đi chơi được nhưng vẫn còn một cái thú khác là đi bắt cua, bắt ốc.
Nước lấp xấp mặt ruộng, những con cua đồng to chắc bằng nắm tay trẻ con, thấy bóng người, chúng lặn xuống, bơi dưới làn nước trong veo. Tay mang theo một cái thùng xách nước (cái thùng hình trụ bằng tôn dày, đường kính chừng ba tấc, cao chừng bốn tấc, có một thanh nắm bằng gổ nằm ngang miệng thùng) nhảy xuống ruộng chộp vào cái mu cua. Nếu ở chổ cạn, con cua sẽ giương hai cái càng lên để hù dọa và tự vệ, phải lừa ra sau lưng nó để nắm vào cái mu, nếu không sẽ bị nó kẹp đau điếng muốn chảy máu. Bỏ vào thùng nghe một tiếng đùng, con cua tìm cách thoát thân, bò rồn rột trong đáy thùng. Cứ thế vài ba phút chộp một con quăng vào thùng, rồi ốc bưu, cứ bảy tám bước chân là chộp được một con. Thời đó cua và ốc trên đồng rất nhiều, chẳng mấy chốc, khoảng nữa tiếng là gần đầy thùng, hơi nặng so với sức một đứa trẻ. Mang về nhà, cua thì má chú bỏ vào bếp than hồng để nướng. Khi chín, mu nó đỏ ao như màu trái gấc, tỏa mùi thơm phức! (tôi xin được dùng từ dân gian thay cho những từ ngữ hoa mỹ). Má chú lúc nào cũng dành cho 3 chị em chú những cặp càng cua, đập nó bể cái vỏ càng ra, thịt bên trong trắng tươi, ăn ngọt ngất! Ốc bưu thì luộc xong, dùng gai cây quít lể nó ra, bỏ vào miệng nhai nhóc nhách thật khoái khẩu! Thứ nào cũng ngon!
Có những buổi trưa đi học ngang qua những đám rẫy trồng dưa leo, nhảy sang bẻ trộm mấy trái dưa non nhai giòn rôm rốp trong miệng thật thơm, hoặc ngang qua những rẫy mía thân vàng óng, bẻ trộm lấy một cây, mía vừa ngọt vừa mềm, vừa đi vừa nhai nút nước rồn rột! Cánh đồng giữa mùa thu lúa đã lên cao, một màu xanh lá trải rộng đến tận chân trời, thoang thoảng hương lá lúa. Gió thổi làm gợn lên những làn sóng nhấp nhô như sóng nước. Phía xa mút tầm mắt, thỉnh thoảng một chiếc máy bay đầm già trắng phao, từ trên cao thả mình nhẹ nhàng lướt xuống như một cánh cò, bay là là trên cái thảm lúa xanh rờn ấy và khuất nhanh sau những rặng cây ở phía xa xa. Chú bé mơ sẽ có ngày được lại gần chiếc máy bay đó để xem nó thế nào, chú mãi mê ngắm nó với bao nhiêu tưởng tượng trong đầu, chú rất thích máy bay!
Mùa đông
Lúa bắt đầu chín, đây đó trên đồng xuất hiện những bồ gặt lúa. Từng nhóm năm bảy người phụ nữ đầu đội nón lá lom khom cắt lúa bằng liềm, chất thành từng bó rải rác. Từng đàn chim sẽ sà xuống ruộng ăn lúa, mặc dù đây đó có những hình nộm bằng rơm đuổi chim, nhưng chúng đã quen nên không sợ. Trên bờ ruộng, lác đác những người gánh lúa về nhà. Tất cả cùng tạo nên một bức tranh sinh động đầy nhọc nhằn, vất vả. Mùa này hầu như không có gì để chơi ở ruộng vì lúa khắp nơi, đất ruộng sình lầy. Chú bé chỉ còn đi câu cá rô ở các mương vũng ven ruộng. Mỗi lần chú xách cần câu đi, má chú thường la chú: “Mầy ráng câu cho đủ mầy ăn!” Má chú la vì mỗi lần chú đi là đi cả buổi! Câu cá thật thú vị, thả lưỡi câu móc mồi tép thả xuống nước, kiên nhẫn ngồi chờ. Mỗi lần thấy cái phao động đậy là chú tập trung cao độ! Khi cái phao bị kéo đi, giật cần câu thấy nặng tay là một điều sung sướng nhất! Một con cá rô mề to bằng bàn tay trẻ con bay bổng lên không trung quẩy tứ tung. Đặt nó xuống bãi cỏ, lấy tay đè đầu nó để gở lưởi câu ra. Nó rất hung hăng, phùng mang quẩy rèn rẹt, sơ sẩy là nó cứa chảy máu tay rát rạt! Thường thì chú bé câu không được nhiều, một buổi câu chừng vài ba con (thế mới bị la!).
Trời cũng bắt đầu lạnh, đất ruộng dẻo dần sắp khô. Lúa cũng gặt gần xong, chỉ còn lác đác một ít thửa ruộng chín trễ, cánh đồng trơ ra toàn gốc rạ và những đụn rơm như báo hiệu công việc trong năm của những người nông dân đã hoàn tất, chuẩn bị đón một mùa xuân mới để rồi lại tiếp tục cái chu kỳ vất vả đậm chất nhọc nhằn, mộc mạc và thơ của ruộng đồng nam bộ. Những cánh én lại bắt đầu chao lượn giữa lưng trời xanh trong hiu hiu gió thổi . . .
Gửi bình luận của bạn